Lưu ý khi đăng nhập VNeID
Người dùng cần nhập mật khẩu của tài khoản định danh điện tử - VNeID vào lần đăng nhập đầu tiên trên thiết bị.
Từ những lần sau có thể sử dụng vân tay, khuôn mặt để xác thực thay thế mật khẩu đăng nhập bằng cách thiết lập trong ứng dụng.
Khi sử dụng các dịch vụ trong ứng dụng, người dùng sẽ phải thực hiện xác thực bổ sung mã passcode.
Mật khẩu của tài khoản người dùng được yêu cầu đặt có chữ hoa, chữ thường, số, ký tự đặc biệt (độ dài tối thiểu 8 ký tự); được yêu cầu thay đổi định kỳ (ít nhất 6 tháng/lần).
Cần đảm bảo thiết bị chỉ có vân tay, xác thực khuôn mặt của mình. Trường hợp có vân tay, xác thực khuôn mặt của người khác trên thiết bị đó thì nên sử dụng mật khẩu để đăng nhập và nhớ đăng xuất ứng dụng khi không sử dụng.
Trong trường hợp mất thiết bị đang sử dụng tài khoản định danh điện tử, người dùng có thể thực hiện yêu cầu khóa tạm thời tài khoản để đảm bảo an toàn cho dữ liệu cá nhân của mình theo một trong hai cách:
Yêu cầu khóa tài khoản trên trang thông tin Định danh điện tử Quốc gia; hoặc liên hệ cơ quan công an để được hỗ trợ khóa tạm thời tài khoản.
Không cài các ứng dụng lạ, độc hại
Theo Bộ Công an, các dữ liệu về định danh điện tử không lưu trữ trên thiết bị di động đã cài đặt ứng dụng VNEID của công dân nên các ứng dụng lạ khó có thể truy cập vào thiết bị để lấy cắp thông tin.
Chỉ khi công dân đăng ký truy cập mới được hiển thị lên ứng dụng và công dân hoàn toàn biết được chính xác việc xuất trình để hiển thị thông tin cho đối tượng khác (nếu cần).
Việc xuất trình (hiển thị) thông tin tương tự như xuất trình các loại giấy tờ và thẻ cứng vật lý.
Khi cán bộ chức năng có yêu cầu kiểm tra thông tin cá nhân, giấy tờ của công dân thì công dân phải “cho phép” tức là cấp quyền kiểm tra thì cán bộ chức năng mới có thể xem được thông tin trong phạm vi được phép.
Khi bên thứ 3 (bên cung cấp dịch vụ như ngân hàng, ví điện tử…; y tế, bảo hiểm, hệ thống dịch vụ công…) có nhu cầu sử dụng dữ liệu của công dân trong dịch vụ của mình thì cũng phải được sự đồng ý của công dân.
Tùy vào yêu cầu về mức độ xác thực và bảo mật của bên thứ 3, thông tin công dân sẽ được ký số (chống thay đổi, chống chối bỏ), và được mã hóa.
Hệ thống của các bên thứ 3 khi kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử đều phải được xác thực bảo mật.
Tuy nhiên để đảm bảo an toàn trước các đối tượng tội phạm công nghệ cao, Bộ công an khuyến cáo công dân không cài các ứng dụng lạ, độc hại, không chia sẻ thông tin tài khoản của mình cũng như chú ý đến việc bảo mật cho thiết bị của mình đang sử dụng ứng dụng định danh điện tử.
Tài khoản định danh điện tử mức 2 để làm gì?
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 59/2022, tài khoản định danh điện tử mức 2 có giá trị như sau:
- Có giá trị chứng minh thông tin trong các hoạt động, giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.
- Đối với công dân Việt Nam: Tương đương với việc sử dụng Căn cước công dân trong các giao dịch có yêu cầu xuất trình Căn cước công dân.
Cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để đối chiếu khi phải xuất trình giấy tờ đó.
Trên thực tế, hiện nay người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2 để đi máy bay mà không cần mang theo Căn cước công dân.
Ngoài ra, tài khoản định danh điện tử mức 2 trên ứng dụng VNeID còn có nhiều tính năng đáng chú ý như:
- Khai báo lưu trú, đăng ký cư trú
- Tố giác tội phạm: Công dân có thể dùng tài khoản định danh cá nhân của mình tố giác 17 loại tội phạm với cơ quan Công an.
- Trả tiền điện, nước, thanh toán không dùng tiền mặt: Theo Đề án phát triển định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia ban hành kèm Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06), ứng dụng VNeID được định hướng tích hợp với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước.
Nguồn :https://laodong.vn/phap-luat/nhung-luu-y-khi-cai-dat-ung-dung-vneid-1203624.ldo